Huấn luyện những người “thích” vào nơi gian khó
Trong số những cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chữa cháy rừng U Minh (năm 2002); tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong đợt lũ quét ở Nậm Giải (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An năm 2007) và các đợt mưa bão ở Thanh Hóa, Đà Nẵng… có không ít người từng được “học nghề” ở Trung tâm Quốc gia Huấn luyện tìm kiếm, cứu nạn đường không (TKCN-ĐK). Tròn 30 năm qua, Trung tâm đã đào tạo, huấn luyện cho hàng nghìn sĩ quan, nhân viên về nghiệp vụ, kỹ thuật dù – TKCN-ĐK, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra đối với người dân nhiều địa phương.
Chiến công thầm lặng
Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Quốc gia Huấn luyện TKCN-ĐK. Dưới cái nắng bỏng rát, cán bộ, học viên lớp đào tạo nhân viên kỹ thuật dù TKCN-ĐK khóa 28 vẫn miệt mài với nhiều bài tập khá phức tạp. Những động tác chuẩn xác, nhanh nhẹn của học viên khiến chúng tôi ngỡ ngàng khâm phục, nhưng có vẻ vẫn chưa làm Thượng tá Trần Quang Hoàng, Chỉ huy trưởng Trung tâm hài lòng. Vốn là phi công cấp 1 dày dạn kinh nghiệm, anh Hoàng hướng dẫn học viên từng động tác gấp dù, đeo dù và tiếp đất an toàn…
Sau những động tác làm mẫu hết sức thuần thục và bài bản, trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng cho biết: “Huấn luyện TKCN-ĐK là nhiệm vụ có tính đặc thù, khó khăn và phức tạp. Nội dung huấn luyện chủ yếu là thực hành các kỹ thuật nhảy dù phục vụ công tác TKCN trong nhiều địa hình, thời tiết, thời gian… Hơn nữa, đối với sĩ quan, nhân viên dù chuyên ngành TKCN-ĐK thì chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường không chỉ cho chính bản thân, mà còn liên quan đến nhiều người khác. Do vậy quá trình đào tạo đòi hỏi hết sức khắt khe đối với giáo viên và học viên”.
Từ nhận thức trên, cùng với sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, 30 năm qua Trung tâm đã đào tạo hàng nghìn sĩ quan, nhân viên dù TKCN-ĐK cho các đơn vị trong và ngoài quân đội. Đến nay, qua khảo sát của Trung tâm, 100% nhân viên sau khi tốt nghiệp đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đơn vị đánh giá cao.
Vững tin trên mỗi chuyến bay
Trao đổi với đội ngũ học viên đang theo học ở Trung tâm, nhiều người tâm sự với chúng tôi rằng: Không phải ai cũng có đủ dũng cảm và tự tin để đeo dù nhảy từ độ cao hơn 1.000m xuống đất cả, nhất là trong điều kiện đêm tối, địa hình tiếp đất là rừng cao, núi thẳm… Trầy xước mặt mũi, tay chân là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với không ít học viên thời gian đầu tham gia huấn luyện. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian đào tạo, được tham gia các khóa huấn luyện cả về thể chất lẫn chuyên môn, 100% học viên đều có đủ tự tin để nhảy dù và thực hiện nhanh, chính xác các nội dung TKCN-ĐK.
Trước khi đến với Trung tâm, chúng tôi nghĩ: Học viên chắc chỉ học cách nhảy dù, lái dù sao cho chính xác, tiếp đất an toàn..., nhưng các nội dung huấn luyện tại Trung tâm không chỉ đơn thuần có vậy. Ngoài những kỹ thuật về nhảy dù, học viên tham gia huấn luyện tại Trung tâm còn phải học bơi, leo núi, phòng cháy, chữa cháy, kỹ thuật cấp cứu… Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Chính trị viên Trung tâm giải thích: “Cùng với sự phát triển chung của xã hội, yêu cầu TKCN ngày một đòi hỏi về thời gian, độ chính xác và sự chuyên nghiệp của các sĩ quan, nhân viên cứu hộ. Trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm (tùy theo chuyên ngành đào tạo) đòi hỏi người học không chỉ thuần thục những kỹ năng cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ TKCN trên không cũng như dưới đất, mà còn được rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần dũng cảm. Bởi vậy, trước khi kết thúc một khóa huấn luyện, chúng tôi đều tổ chức vòng dã ngoại kiểm tra trình độ tổng hợp của học viên. Trong đó, học viên phải xử lý các tình huống như: xác định vị trí cứu nạn, tiếp cận khu vực cần cứu nạn, cứu người bị nạn…”.
Ngoài việc đào tạo, huấn luyện, những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ Trung tâm còn trực tiếp tham gia TKCN-ĐK khi có thiên tai bão lũ xảy ra. Có mặt tại phòng trực TKCN của Trung tâm, trao đổi với Trung úy Ngô Tiến Trung, sĩ quan Dù – TKCN chúng tôi được biết: Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm luôn có một tổ trực 24/24 giờ, sẵn sàng khi có lệnh là lên đường. Minh chứng những điều mình vừa nói, Trung cho chúng tôi xem “đồ nghề” của mình. Một ba lô lớn, gồm: 2 chiếc dù, áo phao, túi cứu thương, các dụng cụ hỗ trợ TKCN… tất cả, nặng khoảng 40kg. “Thế mà mỗi lúc báo động di chuyển, chúng tôi vẫn khoác chạy băng băng lên máy bay đấy” - Trung cho biết.
Rời TTHL TKCN-ĐK trong cái nắng chiều đã nhạt, trên khoảng sân xi măng vẫn còn không ít học viên đang say sưa luyện tập. Chúng tôi hiểu rằng, mỗi giọt mồ hôi của họ hôm nay sẽ được đổi lại bằng tính mạng và tài sản của nhân dân mỗi khi có thiên tai, thảm họa.
Bài và ảnh: PHÚ SƠN – HUY HOÀNG